Hỏi: Thời gian tham gia tập huấn tại doanh nghiệp có được tính là thời gian làm việc không? Bồi dưỡng độc hại cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại được thực hiện như thế nào?
Tập huấn tại doanh nghiệp có được tính thời gian làm việc không?
Theo quy định tại Điều 158 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, một trong những loại thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương là thời gian người lao động tham gia hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động.
Việc tổ chức cho người lao động tham gia các lớp huấn luyện, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức về PCCC là trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định về Luật PCCC.
Như vậy, người lao động của Công ty tham gia công tác huấn luyện là khoảng thời gian được tính vào thời giờ làm việc hưởng nguyên lương.
Người lao động làm việc trong môi trường độc hại được hưởng các chế độ trợ cấp theo quy định (Ảnh minh hoạ)
Bồi dưỡng độc hại cho người lao động như thế nào?
Liên quan đến chế độ bồi dưỡng độc hại cho người lao động bằng tiền mặt và chi trực tiếp vào bảng lương, tại Điều 3 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH về nguyên tắc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật quy định:
“1. Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca hoặc ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện và vệ sinh.
2. Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (gồm cả đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.
3. Trường hợp do tổ chức lao động không ổn định, không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ được (ví dụ: Làm việc lưu động, phân tán, ít người), người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động”
Với quy định trên, thì việc bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động là bắt buộc và không thể được thay thế bằng hình thức khác.
Kể cả trong trường hợp người lao động và Công ty ký hợp đồng lao động thỏa thuận người lao động đồng ý nhận chế độ bồi dưỡng bằng tiền, nhưng việc thỏa thuận nếu vi phạm các quy định của pháp luật thì cũng vô hiệu (Điều 49 BLLĐ 2019).