Anh H làm việc tại Công ty X. Tháng 12/2021 vừa qua, do giữa anh và Công ty có phát sinh một số mâu thuẫn, nên Công ty đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.

Vụ việc được đưa ra hòa giải tại phòng Lao động Thương binh và Xã hội địa phương, nhưng không thành. Anh H sau đó đã có đơn khởi kiện vụ việc ra tòa án đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, anh H không biết vụ việc của anh và Công ty có thuộc thẩm quyền xử lý của Tòa án không.

Hiện nay mặc dù đã gửi đơn kiện, nhưng nhiều hồ sơ tài liệu anh H không được giữ.

Không có đủ tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc tranh chấp lao động nêu trong đơn khởi kiện có ảnh hưởng đến việc chứng minh của anh khi tham gia tố tụng không?

Luật sư Nguyễn Huy An

Căn cứ pháp lý chứng minh trong giải quyết tranh chấp lao động tại toà

– Bộ Luật Lao động năm 2019 (BLLĐ);

– Bộ Luật tố tụng Dân sự năm 2015 (BLTTDS).

Giải quyết tình huống

Trường hợp của anh H trong tình huống nên trên thuộc loại tranh chấp lao động cá nhân. Theo quy định tại Điều 187 BLLĐ thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm hòa giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động và tòa án nhân dân.

Khoản 7, Điều 188 BLLĐ quy định rõ: Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức: Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, trong tình huống nêu trên, vụ việc tranh chấp giữa anh H và Công ty X đã được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải tại Phòng lao động nhưng không thành. Anh H có lựa chọn phương thức giải quyết tại tòa án là được phép theo quy định của pháp luật (tranh chấp lao động cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án)

Về nội dung anh H hỏi liên quan đến nghĩa vụ cung cấp các tài liệu, hồ sơ chứng minh trong quá trình tham gia tố tụng, tại điểm a và b, khoản 1, Điều 91 BLTTDS quy định:

“1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

b) Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án”

Như vậy, với quy định trên, thì nếu trong trường hợp anh H không cung cấp, giao nộp được cho tòa án, chứng cứ mà lý do là Công ty X đang quản lý, lưu giữ thì khi tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp, trách nhiệm cung chấp chứng cứ, nghĩa vụ chứng minh thuộc về Công ty X, anh H được miễn trừ nghĩa vụ này.

Văn phòng Luật sư Huy An               

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *