Chiều 27/6, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tổ chức phổ biến, giải đáp pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài về Luật Đất đai 2024.
Hội nghị phổ biến, giải đáp pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài về Luật Đất đai 2024
Hoạt động này được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết hợp điểm cầu chính tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), với các điểm cầu đại sứ quán, tổng lãnh sự quán Việt Nam tại các nước châu Âu và một số điểm cầu tại TPHCM, Hải Phòng…
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban NVNONN Nguyễn Mạnh Đông cho biết, “Chương trình phổ biến, giải đáp pháp luật cho NVNONN về Luật Đất đai 2024 của Việt Nam” nằm trong chuỗi các hoạt động mà Ủy ban kết hợp với Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tổ chức nhằm cung cấp các thông tin pháp luật, đặc biệt là những luật mới được Quốc hội ban hành có liên quan trực tiếp đến NVNONN.
Nhân dịp này, Ủy ban và Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng kết hợp phổ biến quy định pháp luật về điều kiện sở hữu nhà, đất tại Anh để vừa tăng cường kết nối giữa cộng đồng người Việt tại các nước khác nhau trên thế giới, vừa hỗ trợ để bà con có thêm thông tin cần thiết, từ đó cân nhắc trong trường hợp dịch chuyển cuộc sống, tránh rủi ro có thể phát sinh.
Các hoạt động trên nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách về việc quan tâm, chăm lo, hỗ trợ NVNONN của Đảng và Nhà nước ta. Chương trình cũng nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm hiện thực hóa phổ biến pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho bà con kiều bào theo Kế hoạch phối hợp công tác năm 2024 giữa Ủy ban và Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Lê Văn Khánh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư 118-Hà Nội đã phổ biến nội dung trong Luật Đất đai 2024 có liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài, với các điểm đáng chú ý: Mở rộng quyền và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuận lợi hơn trong lĩnh vực đất đai tại Việt Nam; quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất và khả năng tiếp cận đất đai tương tự như cá nhân trong nước; mở rộng quyền của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (là đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam); người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được bổ sung quyền sử dụng đất ở do nhận chuyển quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở và quyền chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, để thừa kế, góp vốn bằng quyền sử dụng đất ở theo quy định của Luật.
Phần trình bày trực tuyến của luật sư Nguyễn Trung Nam, Công ty EP Legal (Anh) đã phổ biến các điều kiện sở hữu nhà, đất tại Anh, như những vấn đề pháp lý liên quan đến mua nhà cho thuê và các bước mua nhà tại Anh…
Sau phần tham luận, các luật sư đã giải đáp các câu hỏi của bà con kiều bào, tập trung vào Luật Đất đai 2024 với những nội dung cụ thể: Những điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các quy định cụ thể về nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam, hay việc bà con có được mua nhà ở tại Việt Nam nếu không còn có quốc tịch Việt Nam.
Bà con cũng trao đổi về băn khoăn liệu việc Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ 1/8/2024, thay vì 1/1/2025) thì có kịp ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành không? Có đảm bảo các nội dung yêu cầu không? Các luật sư đã trao đổi, giải đáp các câu hỏi của các kiều bào, giúp hiểu rõ và chi tiết hơn về các quy định trong Luật Đất đai của Việt Nam và điều kiện sở hữu nhà, đất tại Anh.
Phát biểu tại các điểm cầu, bà con kiều bào đánh giá cao và cảm ơn tới Ủy ban NVNONN, Bộ Ngoại giao và Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã quan tâm, phổ biến các thông tin về chính sách pháp luật của Việt Nam tới bà con; bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng kịp thời xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về trong nước đầu tư trong lĩnh vực nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Phát biểu bế mạc chương trình, ông Nguyễn Mạnh Đông cho biết, Ủy ban mong nhận được ý kiến đóng góp của bà con trong quá trình triển khai Luật Đất đai 2024 nói riêng cũng như các quy định pháp luật nói chung để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét.
Thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp với Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan giới thiệu các chính sách, pháp luật của Việt Nam, cũng như của một số nước về các lĩnh vực khác mà bà con quan tâm, hoặc liên quan trực tiếp đến cuộc sống của bà con.
Diệp Anh