Dân sự
Pháp luật dân sự Việt Nam là công cụ pháp lý thúc đẩy giao lưu dân sự, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Kế thừa và phát triển pháp luật dân sự Việt Nam từ trước đến nay, Bộ luật dân sự có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật nước nhà, tạo cơ sở pháp lý nhằm tiếp tục giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội, quyền con người về dân sự.
Bộ luật dân sự góp phần bảo đảm cuộc sống cộng đồng ổn định, lành mạnh, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hoá dân tộc hình thành trong lịch sử lâu dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Tố tụng dân sự
Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh: “tố tụng” là việc thưa kiện (procès), “tố tụng pháp lý” là việc pháp luật quy định những thủ tục về cách tố tụng (code deprocédure)” (Trường Thi xuất bản, Sài Gòn, 1957, tr. 302). Sách Tiếng nói nôm na của Lê Gia, dẫn giải 30.000 từ tiếng Việt thường dùng có liên quan đến từ Hán Việt (NXB Văn Nghệ TP HCM, 1999) giải thích chi tiết hơn: “Tố tụng” là vạch tội và đưa ra cửa công để phân giải phải trái do chữ “tố” là vạch tội; chữ “tụng” là thưa kiện ở cửa công để xin phân phải trái” (trang 1027-1028).
Hiểu một cách đơn giản: “Tố tụng” là việc thưa kiện ở Tòa án.
Tố tụng được vận dụng vào lĩnh vực pháp luật để đặt tên cho ngành luật và được hiểu là thủ tục pháp luật quy định để giải quyết các vụ án, vụ kiện ở Tòa án.
Thời Pháp thuộc, người ta dùng hai chữ “tố tụng” để dịch chữ “procédure” (chữ Pháp procédure hay chữ Anh procedure đều bắt nguồn từ chữ La tinh processus nghĩa là quá trình, trình tự, thủ tục), như hai bộ luật Bắc kỳ dân sự, thương sự tố tụng; Trung kỳ dân sự, thương sự tố tụng… Dưới chế độ cũ ở miền Nam trước năm 1975, cũng có Bộ luật Hình sự tố tụng, Bộ luật Dân sự và Thương sự tố tụng (năm 1972).
Nói chung, các bộ luật tố tụng (Code de procédure) dù là Bộ luật tố tụng hình sự (Code de procédure pesnale hoặc Code de procédure criminelle) hay Bộ luật tố tụng dân sự (Code de procédure civile) đều là những hình thức pháp luật quy định về thủ tục làm việc của các cơ quan Nhà nước và những người có liên quan khi giải quyết, xử lý một vụ án.
Tố tụng dân sự là trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự, các vụ án dân sự tại Tòa án; trình tự, thủ tục thi hành án dân sự.
Hoạt động tố tụng dân sự được thực hiện bởi hai loại chủ thể khác nhau, đó là người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Nếu thiếu một trong hai loại chủ thể nêu trên thì sẽ không hình thành quan hệ tố tụng.
Pháp luật tố tụng dân sự chia người tham gia tố tụng thành 2 nhóm:
– Nhóm thứ nhất là đương sự: Là nhóm không thể thiếu trong hoạt động tố tụng, có quyền lợi, nghĩa vụ gắn liền với việc giải quyết vụ án;
– Nhóm thứ hai là những người tham gia tố tụng khác. Bao gồm những người có liên quan đến hoạt động tố tụng và họ không phải là những người có quyền lợi, nghĩa vụ gắn với việc giải quyết vụ án.
Bạn hoặc người thân của bạn có thể trở thành đương sự của vụ án dân sự bất kỳ khi nào. Do vậy việc chuẩn bị cho mình những kiến thức, kỹ năng hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ của Luật sư là ưu tiên hàng đầu và cần thiết.
Với đội ngũ Luật sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm, Văn phòng Luật sư Huy An tin tưởng có thể hỗ trợ, cung cấp những ý kiến tư vấn pháp lý chất lượng và uy tín cho khách hàng của mình.
Văn phòng luật sư Huy An hỗ trợ khách hàng với vai trò: Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ án; Đại diện ủy quyền tham gia tố tụng; Tư vấn pháp lý.
Hãy liên hệ với chúng tôi để có thể nhận được những ý kiến tư vấn, hỗ trợ tốt nhất có thể.